Câu chuyện có thật diễn ra vào trưa ngày 13/1 vừa qua, tại quán cơm chay Thiên Phước 5000đ, ở 62 Nguyễn Chí Thanh, phường 16, quận 11, TP.HCM. Trong lúc mọi người đang loay hoay vì giờ cao điểm khách vào ăn cơm đông, cậu bé sinh viên (là lực lượng tình nguyện viên phụ giúp quán) báo có cô bán ve chai là khách hàng thương xuyên của quán muốn gặp.
Vừa gặp chủ quán, chị đã khóc và kể: "Năm nay làm ăn khó khăn quá, đối với chúng tôi những người lao động xa quê lên đất Sài Gòn tìm một công việc đã khó và còn khó hơn khi vật giá leo thang. Thu nhập thì thấp (chị vẫn vừa nói vừa khóc), nhưng tôi đã vào quán này ăn từ ngày quán khai trương cho đến nay.
Đối với chúng tôi đây thật sự là điểm đến buổi trưa ấm lòng, tiết kiệm được chút ít chi phí cho bữa ăn hàng ngày...”. Nói xong, chị đi ra xe đẩy ve chai của mình ôm vào quán một bao gạo 10kg và một chai dầu ăn 1 lít rồi nói, xin quán hãy nhận ở nơi tôi tấm lòng, để chia sẻ với nhau.
Chủ quán cơm ngỡ ngàng, không biết phải làm sao vì món quà này đối với nhiều người tuy không lớn, nhưng đối với một người thu nhập thấp thì đây quả là một số tiền cũng không hề nhỏ. Rồi anh nói sẽ nhận ở tấm lòng của chị.
Thế nhưng chị nhất quyết không chịu, bắt chủ quán phải nhận bao gạo và chai dầu ăn. Chủ quán cơm chỉ còn cách nhận những món quà tình, quà nghĩa kia và dặn dò chị mai mốt chị đến ăn cơm, hôm nào buôn bán ve chai được kha khá thì chị có thể đem lại 1 bó rau muống hoặc 1 chai nước tương nho nhỏ là được rồi, không nên mua với số tiền vượt khả năng của mình, quán sẽ không nhận đâu. Chị cười và câu chuyện cứ như dài bất tận tựa tấm lòng của những người tốt gặp nhau”.
Ngay sau khi câu chuyện được đăng tải trên diễn đàn mạng đã có tới hơn 46.000 lượt like và gần 3.000 lượt chia sẻ. Những bình luận cảm động của các dân mạng khiến nhiều người phải nhìn nhận lại về quan điểm sống, cách sống trong xã hội ngày nay. Bên cạnh những hình ảnh phản cảm về “hôi của” gây bão dư luận trong thời gian gần đây, vẫn còn đâu đó những hình ảnh đẹp về tình người trong cuộc sống.
Nhiều bạn trẻ đã đưa ra những lời bình cảm động về tình người sau khi đọc câu chuyện. Bạn trẻ có nick name Chi Quynh chia sẻ: “Nghèo tiền, nghèo bạc nhưng không nghèo tình, nghèo tâm. Cảm động”. Bạn Na Na lên tiếng: “Đọc xong rơi cả nước mắt… Đúng vậy, ta hãy sống bằng những hành động từ trái tim chứ đừng nên sống bằng tiền bạc, quyền thế, địa vị, sống bằng những lời nói hay, giả dối”.
Trong khi đó, một số bạn trẻ gửi lời cảm ơn tới người chủ quán cơm tình nghĩa và cảm ơn cô bán ve chai đã cho bài học thức tỉnh về tình người. Bạn Quynh Nguyen nói: “Sống trên đời cần một tấm lòng. Cảm ơn anh chủ quán, cảm ơn chị bán ve chai!! Anh chị xứng đáng với chữ người hơn vạn kẻ “ăn trắng mặc trơn” khác”.
Còn bạn Hau Nguyen Hai thì lên tiến: “Một câu chuyện cảm động mang tính nhân văn, chứa đựng tình người cao cả, cảm ơn anh chủ quán giàu lòng nhân ái, cảm ơn chị ve chai sống có trước có sau, đây là những tấm gương về tình người. Xã hội cần nhân rộng điển hình để mọi người cùng noi theo, cùng xây dựng Việt Nam văn minh, giàu tình nhân ái”.
Một bạn trẻ khác nói: “Đọc xong không cầm được nước mắt. Vì trong xã hội còn có nhiều trái tim chân tình, biết đùm bọc những người đói rách hơn mình. Và cũng ko thể cầm lòng được khi còn không biết bao hoàn cảnh khó khăn vất vả khác, mà bản thân mình thì đành chiu bất lực...”
Trong khi đó, một số bạn trẻ lên tiếng phê phán những người sống trong nhung lụa nhưng không biết quý đồng tiền, không biết quý giá trị cuộc sống. Bạn Yu Chi Ro nói: “Đây là tiếng chuông báo hiệu cho những kẻ nhà giàu ăn không ngồi rồi phá tiền phá bạc. Phải noi gương và làm theo một bậc thánh nhân có tấm lòng phật tâm như cô...”.
Câu chuyện cảm động như tiếng chuông cảnh tỉnh về tình người, lòng nhân ái với các bạn trẻ và với những con người đang sống thờ ơ với cảnh đời khó khăn xung quanh. Đó cũng là bài học cho những ai còn kiếm sống, có thể cười trên nước mắt, nỗi đau của người khác. Hãy mở tấm lòng nhân ái, bao dung với những người xung quanh để hiểu được giá trị của cuộc sống, hiểu được cái giá của hạnh phúc đích thực mà chúng ta vẫn đang mỏi mòn kiếm tìm trong cuộc đời mình.