Từ đầu năm đến nay, 5.285 lao động Việt Nam đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng lao động; trong đó, lao động mới tham gia lần đầu là 3.821 người, lao động đi lại (đã có thời gian 4 năm 10 tháng làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, về nước đúng thời hạn, có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc làm việc) là 1.464 người.
Trong số này, 4.006 người làm việc ở ngành sản xuất chế tạo, 520 người trong ngành xây dựng, 555 người trong ngành nông nghiệp và 190 người làm việc trong lĩnh vực ngư nghiệp. Đến thời điểm này, đã có 4.072 lao động nhập cảnh Hàn Quốc, số còn lại đang hoàn thiện thủ tục sẽ nhập cảnh trong tháng 9 và tháng 10/2014.
Theo thỏa thuận, bản ghi nhớ đặc biệt trên có hiệu lực trong vòng một năm, sau đó Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc sẽ xem xét, đánh giá tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để làm cơ sở tái ký bản ghi nhớ vào đầu năm 2015.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cảnh báo rằng, phía Hàn Quốc có thể đơn phương hủy bỏ bản ghi nhớ trên vào bất cứ lúc nào chứ không phải đợi đến cuối tháng 11/2014, bởi hiện nay tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tuy đã giảm nhưng vẫn cao gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của 15 nước phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Lương Đức Long, nguyên nhân của tình trạng nhiều lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng nhưng không về nước là do người lao động còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật của Việt Nam và nước sở tại và do chênh lệch về thu nhập.
Thu nhập của người lao động ở trong nước nếu có việc làm ổn định thì chỉ khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, còn thu nhập tại Hàn Quốc từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng (tương đương với 21 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng). Người lao động đã có thời gian làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc 4 năm 10 tháng hoặc 6 năm, số thu nhập ước tính từ 50.000 đến 70.000 USD.
Những người lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chỉ biết đến lợi ích cá nhân mà không hề nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng và như vậy, chính họ đã lấy mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động khác trong nước.
Ở lại sau hợp đồng, lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn
Thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan đến lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, hướng dẫn chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Các đơn vị chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nhiều lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc trong những tháng cuối năm 2014 để vận động những người này về nước đúng hạn. Chính quyền các cấp từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến cấp xã, phường đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trực tiếp đến gặp thân nhân người lao động, yêu cầu ký cam kết vận động con em làm việc tại Hàn Quốc về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước đã và đang phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc tiến hành lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với những người cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng.
Tại Hàn Quốc, Ban Quản lý lao động Việt Nam, Văn phòng quản lý lao động EPS tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn sau khi hết hạn hợp đồng ngay tại các khu tập trung nhiều lao động Việt Nam sinh sống và làm việc.
Gửi thông điệp đến người lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Lương Đức Long nêu rõ: Trước hết, người lao động cần thay đổi nhận thức về hành vi của mình.
Thời gian làm việc tại Hàn Quốc 4 năm 10 tháng có thu nhập tốt, điều đó mang lại quyền lợi rất lớn cho bản thân người lao động và gia đình. Tuy nhiên, người lao động cần biết rằng, trong nước còn rất nhiều người khác, trong đó có cả người thân, bạn bè của mình đang từng ngày mong ngóng và vẫn chưa biết ngày nào được lên máy bay mặc dù đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn.
"Nếu người lao động có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc làm việc hợp pháp thì vẫn có cơ hội! Cánh cửa luôn rộng mở! Thời gian vừa qua, khoảng 5.400 người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn đã được quay trở lại Hàn Quốc làm việc hợp pháp. Về nước đúng hạn là hành động vì lợi ích cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, mà còn là của quê hương và của chính bản thân người lao động," ông Long nói.
Cũng theo ông Long, cư trú bất hợp pháp, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, cái lợi duy nhất là người lao động có thế có thu nhập bằng cách nào đó nhưng chắc chắn không ổn định, làm ngày nào biết ngày đó. Người lao động có thể bị truy quét, bị bắt và trục xuất về nước bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, người cố tình cư trú bất hợp pháp còn tự tước đi cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc một cách hợp pháp và còn bị phạt 100 triệu đồng, không được nhận khoản tiền trợ cấp thôi việc do phía Hàn Quốc chi trả. Không chỉ có vậy, những người này còn phải chấp nhận nhiều rủi ro trong các sự kiện pháp lý xảy ra tại nước sở tại. Tên, tuổi, ảnh và dấu vân tay của họ đã bị cơ quan xuất nhập cảnh Hàn Quốc lưu trong "sổ đen," trong vòng 5 năm không được sang Hàn Quốc.
Bên cạnh thiệt hại to lớn về kinh tế đối với quốc gia trong trường hợp thị trường lao động Hàn Quốc đóng cửa, hành động cư trú bất hợp pháp này còn làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam trong mắt người dân Hàn Quốc.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, nếu người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn muốn tiếp tục trở lại Hàn Quốc làm việc một cách hợp pháp thì vẫn có rất nhiều cơ hội.
Nếu là lao động mẫu mực, sau khi về nước chỉ cần làm thủ tục đăng ký tại Trung tâm Lao động ngoài nước trong vòng 3 tháng sẽ được quay trở lại Hàn Quốc làm việc mà không phải thi tiếng Hàn. Nếu không phải là lao động mẫu mực sẽ phải tham gia kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính, đạt yêu cầu sẽ được làm hồ sơ gửi sang Hàn Quốc giới thiệu cho chủ sử dụng cũ lựa chọn, ký hợp đồng. Trường hợp, chủ sử dụng cũ không lựa chọn thì sẽ được giới thiệu cho chủ sử dụng lao động mới.
Nguy cơ đóng cửa thị trường lao động Hàn Quốc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu Việt Nam không nỗ lực kéo giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp xuống dưới 30% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người, nhiều địa phương vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về hậu quả nghiêm trọng này./.